Bác sỹ Anh cảnh báo máy thở Trung Quốc có thể gây chết người

Nhóm bác sỹ Anh cảnh báo 250 máy thở mua từ Trung Quốc có nguy cơ gây ra tổn hại đáng kể cho bệnh nhân, nếu chúng được sử dụng trong bệnh viện.


Lô máy thở từ Trung Quốc được vận chuyển tới Anh hôm 4/4. (Ảnh: PA)

Máy thở gây tổn hại đến bệnh nhân

Nhóm bác sỹ này cho biết, nguồn cung cấp oxy của các máy thở trên có vấn đề, không thể làm sạch đúng cách. Ngoài ra, máy có thiết kế lạ, hướng dẫn sử dụng khó hiếu, được chế tạo để sử dụng trong xe cứu thương, không phải dùng trong bệnh viện.

"Chúng tôi tin rằng nếu được sử dụng, chúng có thể gây tổn hại đáng kể cho bệnh nhân, thậm chí có thể dẫn tới thiệt mạng. Chúng tôi mong muốn thu hồi và thay thế các máy thở này bằng các thiết bị tốt hơn", bác sỹ gây mê cấp cao tại thành phố Birmingham cho hay.

Hôm 4/4, giới chức Anh tuyên bố đã mua thành công 300 máy thở của Trung Quốc.

"Chúng tôi đã mua các máy thở từ các đối tác nước ngoài, bao gồm cả Đức và Thụy Sỹ và hôm nay 300 máy thở mới đến từ Trung Quốc", Bộ trưởng Nội các Anh Michael Gove cho hay.

Nhưng chỉ 9 ngày sau, một nhóm bác sỹ và các nhà quản lý y tế cao cấp đưa ra cảnh báo về 250 máy thở mà họ nhận được. Số thiết bị này do Công ty TNHH Bắc Kinh Aeonmed, một trong những nhà sản xuất máy thở lớn của Trung Quốc sản xuất.

Phần bộ lọc của các máy thở này không thể làm sạch đúng cách, điều rất cần thiết khi chống lại một loại virus có khả năng lây nhiễm cao. Ống dẫn oxy của chúng cũng không đáp ứng tiêu chuẩn của EU.

Ngoài ra, các bác sỹ Anh không quen khi thao tác với các máy thở này, do đó không phù hợp để sử dụng trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bức thư của nhóm bác sỹ này cũng nhấn mạnh số máy thở trên được thiết kế để sử dụng trong xe cứu thương chứ không phải là trong phòng bệnh.

Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh, cơ quan giám sát việc mua máy thở từ nước ngoài thông tin rằng, họ biết về mối quan ngại của các bác sỹ và đã nêu lại vấn đề với nhà sản xuất.

Tuy nhiên Bộ này từ chối trả lời một số câu hỏi như Anh đã mua tổng cộng bao nhiêu máy thở này, tại sao chúng lại được chọn và hiện có bao nhiêu máy thở được sử dụng.

NBC News cũng liên lạc với Giám đốc bán hàng quốc tế của Aeonmed và không nhận được câu trả lời. Người này sau đó đã cúp luôn điện thoại.

Than phiền vì chất lượng thiết bị y tế Trung Quốc

Chính phủ Anh trước đó đã bỏ ra 20 triệu USD mua bộ xét nghiệm kháng thể COVID-19 từ 2 công ty Trung Quốc nhưng không dùng đến vì "bị lỗi".

Giống như Anh, nhiều nước đang phải tìm tới các lô thiết bị y tế từ Trung Quốc do thiếu hụt nguồn cung trong mùa dịch. Tuy nhiên, các lô hàng từ Bắc Kinh liên tục nhận về các phản ứng tiêu cực.


Hàng loạt các quốc gia phản hồi tiêu cực về các lô thiết bị y tế nhập khẩu từ Trung Quốc. (Ảnh: AA)

Mới đây nhất, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) hôm 27/4 cho biết, họ đang lên kế hoạch trả lại các bộ dụng cụ xét nghiệm kháng thể đặt mua từ Trung Quốc vì "độ chính xác kém".

Ấn Độ hồi đầu tháng 4 đặt hàng hơn 500.000 bộ dụng cụ xét nghiệm kháng thể của Trung Quốc, để tăng cường sàng lọc các ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, các bang ở Ấn Độ sau khi sử dụng các bộ kit này cho ra kết quả mâu thuẫn.

Chính phủ Canada tuần trước cho biết, khoảng 1 triệu khẩu trang được mua từ Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn để sử dụng nhân viên y tế chống dịch.

Tháng trước, giới chức y tế Hà Lan thu hồi hơn 500.000 khẩu trang Trung Quốc, sau khi nhận được khiếu nại rằng chúng không bao kín phần mặt cần che chắn hoặc có bộ phận lọc bị lỗi.

Tây Ban Nha cuối tháng 3 gửi trả hàng nghìn bộ kit xét nghiệm nhanh của Trung Quốc vì cho kết quả thiếu chính xác.

Trường Y thuộc Đại học Washington của Mỹ mới đây tuyên bố ngừng sử dụng bộ xét nghiệm có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau khi phát hiện một số dụng cụ bị nhiễm bẩn.

Tại Trung Quốc, các nhà quản lý thị trường nước này cho biết, tính tới 24/4 đã thu giữ hơn 89 triệu khẩu trang cùng 418.000 quần áo bảo hộ không đạt chuẩn và một số sản phảm khử trùng kém chất lượng. Tổng trị giá vào khoảng 1,1 triệu USD.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu lô hàng trong số này được sản xuất dành cho xuất khẩu.


Theo cafebiz.vn