Bí quyết chung khi chọn mua đồ gỗ nội thất

Gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, việc làm ăn ngày càng cạnh tranh nên không ít các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu đạo đức kinh doanh tìm cách ăn bớt vật tư, độn nguyên liệu chất lượng kém, thuê thợ tay nghề thấp… sinh ra những sản phẩm kém chất lượng nhưng bán với giá khá cao. Để tránh việc mua phải đồ gỗ kém chất lượng, bạn nên tham khảo một vài cách kiểm tra dưới đây đi khi mua hàng.

Khi mua đồ gỗ phải quan sát đến những kẽ hở giữa các phần gỗ ghép lại, bên trong không được quá 0,5mm, bên ngoài không to quá 0,2mm. Những chỗ gắn bằng keo, chạm, khảm hoặc chỗ tra mộng phải khít, không được lỏng lẻo, đường nét tinh tế. Các linh kiện bằng kim loại gắn thêm vào phải chắc chắn và ngay ngắn. Các đầu đinh không được thò ra ngoài mặt gỗ hay thụt vào quá sâu.


Khi chọn mua những đồ gỗ nội thất nhỏ có thể thử bằng cách kéo qua kéo lại nhẹ nhàng trên nền xi măng, nếu âm thanh trong và giòn, chứng tỏ chất lượng tốt, nếu không phát ra tiếng, hoặc có tạp âm đục không đều, là cốt gỗ pha trộn không đạt hoặc kết cấu không chắc chắn.

Với những đồ lớn như bàn làm việc, bàn ăn có thể dùng tay lắc mạnh xem có vững chắc không. Với bàn ghế mỹ nghệ có thể dùng thử, lắc mạnh, nếu không lung lay, không bị yếu, không có tiếng cót két, thì kết cấu vững. Nếu thử ngồi xuống mà thấy ghế phát ra tiếng kêu cót két, là không đạt tiêu chuẩn và không nên mua.

Kiểm tra chất lượng tổng thể các bộ phận, hoa văn, nước sơn...

Khi mua đồ gỗ nội thất, cần lưu ý kiểm tra các bộ phận chính như: Chân, khung, bề mặt... Đồ gỗ phải được đóng bằng những loại gỗ có chất lượng tốt, nếu có trang trí hoa văn thì phải sắc xảo, đẹp mắt, không có những đầu mẩu gỗ thừa, mắt gỗ hay bị rạn nứt. Không nên mua những loại đồ gỗ mà bộ phận gỗ đóng bên trong như tấm ngăn, tấm lót, ngăn kéo... bị mối mọt, cong vênh, sứt sẹo, chắp vá, thiếu hụt.

Với những đồ dùng bằng gỗ phủ sơn, màu sơn phải đều, có độ bóng đẹp, không có sần sùi hay vết nhăn, sờ vào những chỗ  nối phải phẳng, có cảm giác như sờ vào kính. Không nên chọn đồ gỗ có màu quá tương phản nhau ở các bộ phận.

Kiểm tra kết cấu gỗ:

Với những đồ gỗ nội thất lớn, cần chú ý xem chúng có lỗ mộng truyền thống không, phải kiểm tra các đinh vít, keo có chắc chắn không. Khi mua ghế, cần đảm bảo nó không bị lắc lư, phải kiểm tra bốn chân đứng có vững chãi hay không. Nếu mua một chiếc tủ gỗ hoặc cửa ra vào, cần kiểm tra kỹ lưỡng xem bản lề cánh cửa có vững chắc, an toàn và đủ mạnh để gánh đỡ cánh cửa hay không.

Đồ gỗ có tỏa ra mùi gây khó chịu hay khó thở không:

Có một số đồ gỗ nội thất như giường, tủ, khi thử rút ngăn kéo ra hoặc mở cửa tủ ra liền có một mùi gây chảy nước mắt, là do hàm lượng Formaldehide có trong gỗ nội thất đó vượt quá tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe cho người sử dụng. Trường hợp này khi mua về không nên sử dụng ngay mà để nơi thoáng mát cho bay hết mùi rồi mới đưa vào sử dụng.

Kiểm tra xem gỗ có bị mủn không:

Chỉ cần quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy chất liệu gỗ có bị mục hay bị mọt. Nếu thấy cốt gỗ tương đối mềm, có thể dùng ngón tay cậy lên, nếu thấy cục rời ra thì chứng tỏ gỗ đã bị mục. Kiểm tra thêm viền xung quanh có khít và chắc chắn hay không.

Độ ẩm của đồ gỗ nội thất:

Độ ẩm không nên vượt quá 12%, thông thường khi đi mua không có máy đo, có thể áp dụng cách dùng tay sờ. Sờ vào những nơi không sơn như mặt dưới hoặc mặt trong, nếu cảm thấy ẩm thì độ ẩm có thể trên 50%, trường hợp này không thể sử dụng được. Đặc biệt là tủ bếp vì nơi đặt tủ bếp thường có độ ẩm cao nên phải kiểm tra kỹ. Hoặc có thể dùng ít nước đưa lên mặt sau của sản phẩm nếu thấy lâu ngấm nước thì độ ẩm của sản phẩm sẽ cao. Quan sát xung quanh mép sản phẩm nếu thấy cong vênh hoặc phồng rộp thì chứng tỏ gỗ có độ ẩm rất cao.

Xem xét màu sắc:

Xem kỹ lớp sơn bên ngoài, trên bề mặt xem màu sắc, vân của chúng có đều màu rõ nét, màu sắc của từng chiếc so với cả bộ phải giống nhau, không nên chọn đồ gỗ nội thất có hiện tượng màu sắc cục bộ bị phai, không đồng đều.

Kiểm tra phụ kiện khóa, tay nắm:

Cần kiểm tra xem khóa có trơn nhạy không, tủ quần áo lớn có lắp đủ tay nắm không (ví dụ cần lắp 3 tay kéo thì chỉ lắp có hai, cần bắt 3 ốc thì chỉ bắt có một con). Đây là kiểu “ăn bớt nguyên liệu” làm đồ dùng nhanh xuống cấp, vì thế khi mua cần chú ý.

Ngoài ra, bạn nên mua sản phẩm những đơn vị có thương hiệu, khẳng định uy tín trên thị trường, hay mua hàng ở những chỗ quen biết để yên tâm về chất lượng. Nếu mua những món đồ có giá trị cao, bạn nên nhờ những người có chuyên môn xem giúp và tham khảo thông tin thật kỹ để đưa ra quyết định thật đúng và hợp lý.