Ths Nguyễn Hữu Nhơn “Nghề báo rất vất vả, cần tinh thần trách nhiệm cao nhưng hết sức vinh quang”

Vi Hằng

Nếu như trên đời thực sự có kỳ tích thì đó nhất định là tên gọi khác của sự “nỗ lực”. Riêng Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhơn, người đàn ông đã phấn đấu cả cuộc đời suốt hành trình ¾ thế kỷ, khi bước qua ngưỡng “thất thập cổ lay hy” đã đúc kết được nhiều kỳ tích để thế hệ sau noi gương. Ông đã tâm sự nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Cách mạng báo chí Việt Nam 21/6.   


TGDN: Chúc mừng BTV Ths Nguyễn Hữu Nhơn nhân kỷ niệm Ngày Cách mạng báo chí Việt Nam. Cảm xúc của ông trong ngày đặc biệt hôm nay?    

Ths Nguyễn Hữu Nhơn: Sự nghiệp hoạt động văn hóa xã hội của tôi diễn ra trong nhiều lĩnh vực, riêng lĩnh vực báo chí đó là nhịp cầu duyên. Tham gia những diễn đàn ngôn luận, cơ quan báo chí (SLV tạp chí Cao Đài, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội An toàn giao thông Việt Nam…), tôi hiểu ra rằng nghề báo rất vất vả, cần tinh thần trách nhiệm cao nhưng hết sức vinh quang, dùng ngòi bút của mình để xây dựng xã hội đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Rất tự hào nằm trong hàng ngũ báo chí cách mạng Việt Nam.


TGDN: Vừa là doanh nhân, nhà quản lý kinh tế vừa là nhà thơ, biên tập viên báo chí, nhà từ thiện xã hội - giáo dục - hoạt động tôn giáo. Tại sao người đàn ông đa tài Nguyễn Hữu Nhơn lại đảm đương nhiều vai trò vậy?

Ths Nguyễn Hữu Nhơn: Những điều tốt nhất và đẹp nhất trong thế gian này không thể nhìn thấy hay chạm đến được - chúng phải được cảm nhận bằng trái tim. Tôi đã cảm nhận cuộc sống đa dạng phong phú sắc màu này với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau bằng trái tim khát khao yêu thương. Cuộc sống có những giai điệu du dương của nhiều câu từ ghép lại, có những góc nhìn mang tính thời sự, có tiếng rao văng vẳng của người gánh hàng rong vào buổi trưa hè, có tiếng học bài trong trẻo của trẻ thơ vào sáng tinh mơ, có tiếng chuông chùa trầm lắng ngân vang ấm áp… Chính cuộc sống khiến trái tim luôn khao khát yêu thương của tôi trở nên “tham lam”, chỉ muốn ôm ấp, bao trùm và che chở tất cả (cười).   


TGDN: Suốt ¾ thế kỷ phụng sự xã hội, ông cho rằng mình đã đảm đương và hoàn thành sứ mệnh gì?

Ths Nguyễn Hữu Nhơn: Mỗi người sinh ra ít nhất mang trong mình một sứ mệnh và ở một giai đoạn cuộc đời họ phải hoàn thành sứ mệnh đó. Riêng tôi, suốt hành trình ¾ thế kỷ tôi nghĩ mình đã hoàn thành nhiều vai trò mà cuộc đời đã phó thác. Tôi cho đó là sứ mệnh và trọng trách mình phải gánh vác để trả ơn cha mẹ sinh ra mình, trả ơn cuộc đời đã cho tôi sức khỏe, nghị lực và sự phấn đấu để tôi của ngày hôm nay phải hơn tôi của ngày hôm qua nhưng không bằng tôi của ngày mai. Có lẽ niềm tự hào cũng là trọng trách mà tôi tự nhận cho mình là cứu người, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn... cùng với hào khí thời trai trẻ không bao giờ quên. 


TGDN: Tôi thấy rằng trên thế gian này ai cũng được hưởng một ngày có 24h, một giờ có 60 phút. Thời gian đâu mà ông có thể hoàn thành nhiều vai trò vậy?

Ths Nguyễn Hữu Nhơn: Tôi có đến hơn ¾ thế kỷ còn gì (cười). Tôi sinh năm 1951 và trưởng thành trong một gia đình thương gia có tiếng tại Sài Gòn vào thế kỷ XX. Năm 13 tuổi, tôi thi đỗ vào ngôi trường Trung học Pétrus Ký dành cho những tài năng của Sài Gòn, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, Hán văn và cũng là nhà thơ trẻ được biết đến với bút danh Thanh Phong. Từ 13 tuổi, tôi đã tự tay nấu cho mình những món ngon mà mình yêu thích, tôi khá cầu toàn và sành điệu về việc ăn uống nên sau này cũng thành công trong ngành công nghiệp không khói (du lịch nhà hàng khách sạn). Năm 15 tuổi tôi vừa đi học, vừa tham gia vào các cuộc kháng chiến yêu nước và cũng là một doanh nhân. Nhớ khi đó, một ngày tôi có thể kiếm được 2 lượng vàng. Sau những năm tháng miệt mài kinh doanh đến năm 21 tuổi, tôi khá hài lòng với sự nghiệp của mình, khoác lên mình chiếc áo doanh nhân thành đạt khi 25 tuổi đã sở hữu một ngôi biệt thự hơn 1000 m2 ở quận 2 (nay là TP Thủ Đức) và 3 chiếc xe hơi hiệu Renaul (của Pháp), Vauxall (của Anh) và Honda (của Nhật).


TGDN: Được biết, ông còn ghi dấu ấn trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ và điện ảnh? 

Ths Nguyễn Hữu Nhơn: Với vốn kiến thức và bản lĩnh của mình, tôi nhận sự tín nhiệm và được giao nhiều vị trí quan trọng như: Cán bộ Quản lý Kinh tế Kỹ thuật của Sở Vật tư TP.HCM (sau này là công ty Vật tư tổng hợp TP. HCM). Sau đó, tôi giữ những vị trí Quản lý cải tạo Công Thương nghiệp, Đoàn làm phim trong và ngoài nước thuộc Liên Hiệp các Xí nghiệp Điện ảnh & Băng từ TP. HCM, Trưởng trạm kinh doanh XNK (BADACO), Phó Tổng giám đốc Fookmings Joint Venture Company LTD, Giám đốc Festival Inco Restaurant Hotel thuộc Incomex Saigon (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Đại biểu Hội đồng Nhân dân quận 1, Trưởng phòng Tư vấn Giáo dục Chi nhánh Trung tâm Phát triển Giáo dục Thường xuyên tại TP.HCM)... 


TGDN: Ông đã cống hiến trọn vẹn cho cộng đồng nên giờ đây ông Hai Nhơn còn được nhắc đến với cái tên thân mật “Người có tấm lòng bác ái như ông bụt giữa đời thường”. Ông cảm nhận sao về danh xưng này?


Ths Nguyễn Hữu Nhơn: Tôi cám ơn và hạnh phúc được các anh em cháu và bạn bè yêu thương. Cám ơn lắm lắm. Sau những năm tháng bôn ba không ngừng học hỏi, nỗ lực kinh doanh, giờ đây người ta biết tôi không chỉ qua hình ảnh là một doanh nhân thành đạt, một nhà cách mạng yêu nước mà còn được biết đến với vai trò là người có người cống hiến cho cộng đồng. Khi còn nhỏ, tôi thường xuyên theo cha ruột đi lễ chùa, thất và thường xuyên có mặt tại Nam-Thành Thánh thất để dọng Đại hồng chung. Nhờ tiếng ngân vang đó mà tôi được sáng suốt, dung nạp nhiều kiến thức sâu rộng, những tư tưởng thanh cao, tốt đẹp với tấm lòng thương người như thể thương thân từ ông nội, rồi cha đều là thầy thuốc Đông y và cổ nhân thường gọi “Lương y như Từ mẫu”. Bằng tình thương yêu, sự giúp đỡ của bạn bè và các nhà hảo tâm, năm 1993 tôi khởi xướng xây dựng một phòng khám Nhân đạo mang tên Nam-Thành Thánh thất, nơi khám chữa bệnh cho người nghèo tại địa chỉ số 126 Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM).


TGDN: Động lực nào thôi thúc ông không chùn bước trên mặt trận từ thiện giúp người dân chống “giặc nghèo, giặc dốt” vậy? 

Ths Nguyễn Hữu Nhơn: Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp, những người đến phòng khám của tôi hầu hết đều là những người nghèo, lâm trọng bệnh nhưng họ không có tiền đi bệnh viện, giúp đỡ được họ thì tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Tôi kết hợp với Hội Chữ Thập đỏ 4 cấp (TW, TP.HCM, quận 1, phường Nguyễn Cư Trinh) đến các vùng sâu vùng xa để tặng quà, khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi cơ nhỡ, xây nhà tình thương và những cây cầu ở vùng người dân không có phương tiện liên thông, thậm chí góp sức để giúp người nghèo ở Campuchia và bị Dịch Covid-19 ở Ấn Độ. Hàng tháng vào ngày Rằm, tôi đều tặng 500 hộp cơm chay mang về tại hẻm 100 Bùi Dương Lịch, phường Bình Hưng Hòa B, Bình Tân, tặng học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó trong nước và Nhật Bản với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. 


TGDN: Thành tích “kỳ tích” nào khiến ông tự hào nhất? 

Ths Nguyễn Hữu Nhơn: Thành tích đáng tự hào nhất đối với một trí thức Sài Gòn - TPHCM, có lẽ là Phòng khám Nhân đạo Nam - Thành thất duy trì suốt 28 năm qua và phục vụ với mục đích an sinh xã hội từ thiện. Việc không kém phần quan trọng là tôi tự thiết kế, tổ chức, đầu tư tài chính và xây dựng mới một “Ngôi Di tích Lịch sử Đầu Tiên” của Đạo Cao Đài - một tôn giáo nội sinh của người Việt Nam tại một quận lớn nhất nước (Quận 1, TP.HCM). Ngoài ra, điều mà tôi hạnh phúc là có trên 100 người con nuôi, có trình độ từ Cao đẳng, Đại học, Cao học cùng 2 cháu có Học vị Tiến sĩ. Thêm điều vui nữa là ít nhiều tôi đã đóng góp cho môi trường thanh sạch, tức thành lập được một nhà hàng chay đã hơn 10 năm (2010). Điều làm tôi hạnh phúc mà tôi hay nói vui là tôi có 1 vợ, 101 người con nuôi, 1001 người em gái xinh đẹp nhân hậu, 10001 người yêu thương mình và 100001 người ngưỡng mộ, trong đó cũng có người ganh tỵ (cười lớn). 


TGDN: Dù không thể kể xiết biết bao nhiêu thăng trầm, khó khăn hay thành công, khổ đau hay hạnh phúc trong chuyến hành trình ¾ thế kỷ. Điều mà ông mãn nguyện nhất là gì?

Ths Nguyễn Hữu Nhơn: Bất cứ ai đói khát thì tôi đem lương thực, thực phẩm đến tặng, ai bị rét lạnh thì tôi đem quần áo đến biếu, ai bệnh tật thì tôi có đội ngũ Y tế khám chữa trị và phát thuốc miễn phí, ai khổ đau hay tuyệt vọng thì tôi sẻ chia, an ủi, chăm sóc, động viên để họ vượt qua tâm bệnh hay một hoàn cảnh nghiệt ngã nào đó. Dù cho tôi có trao tặng về phương diện vật chất hay phạm trù tinh thần, trừu tượng cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để phục vụ an sinh xã hội. Đó là ‘Hạnh Phúc” không phải riêng của tôi mà do chính là ‘Phúc Đức’ của Cửu Huyền Thất Tổ trao truyền lại cho hậu sinh dòng họ Nguyễn nhà tôi. Rất mong thay các con cháu của tôi, dù con nuôi hay con ruột, dù cháu chắt, học trò hay đệ tử hãy làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của mình, như tôi đã họach định và thực hiện mới có được thành quả tốt đẹp và hạnh phúc trong “Kiếp Nhân Sinh” này.