“Mỗi ca khúc là một đề tài, một cuộc đời …”

Đó là lời tâm tình của NSƯT Thế Hiển, là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi của làng âm nhạc Việt Nam hiện nay với nhiều sáng tác về người lính- bộ đội cụ Hồ nhanh chóng đi vào lòng người yêu nhạc Việt Nam, như: Hát Về Anh, Nhánh lan rừng, Nhớ các anh, Khúc hát tự hào tàu HQ 561, Chuyện đời xưa đời nay, Tuần Châu đảo ngọc, Vỏ ốc biển, Tiếng hát trên đảo Sơn Ca, Tây Nguyên mùa hè xanh, Đây Mỹ Sơn huyền thoại,... Lúc 22h45 ngày 19/09/2018 trong chương trình “Người kết nối” trên kênh HTV7, người yêu nhạc đã được chứng kiến tận mắt cuộc sống, sinh hoạt rất ư đời thường của NSƯT Thế Hiển. Và màn đệm đàn, với tiếng hát mạnh mẽ nhưng trầm lắng, dễ thương của ca sĩ- nhạc sĩ Thế Hiển và nữ diễn viên Thùy Trang. 

 

NSƯT Thế Hiển đệm đàn cho diễn viên Thùy Trang hát trong chương trình “Người kết nối” phát trên HTV7 vào ngày 19/9/2018

HUYỀN THOẠI ĐẾN TỪ NHỮNG KHÚC CA

Nhiều ca khúc do diễn viên Thùy Trang trình bày đã được nhạc sĩ Thế Hiển đệm đàn và ngân nga hát cùng. NSƯT Thế Hiển hiện nay dường như đã trở thành huyền thoại trong lĩnh vực âm nhạc, khi hang loạt ca khúc của anh đã đi sâu vào lòng người yêu nhạc Việt, đó là: Tóc em đuôi gà, Bốn mắt anh yêu, Nhánh lan rừng, Hát về anh, Nhớ các anh, Chuyện đời xưa đời nay,… Hơn 40 năm gắn bó với âm nhạc, nhạc sĩ Thế Hiển đã viết hàng trăm ca khúc, trong đó có gần 60 bài về đề tài người lính. Chào mừng ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/2018, tại đêm diễn chương trình “Âm nhạc Cách mạng xuống phố” có chủ đề “Bài ca không quên” do Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức tại Nhà truyền thống quận Bình Thạnh (số 8 Phan Đăng Lưu), NSƯT Thế Hiển trình bày ca khúc “Người mẹ hoa sứ trắng”- một sáng tác tâm đắc của anh nói về sự hi sinh cao quý của những người mẹ Việt Nam Anh Hùng,… 

 

NSƯT Thế Hiển được Chủ tịch Nước tặng Huân chương lao động hạng III

NSƯT Thế Hiển, cho biết: “Tôi rất vui khi được tham gia biểu diễn chương trình “Âm nhạc Cách mạng xuống phố” có chủ đề “Bài ca không quên” do Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức tại Nhà truyền thống quận Bình Thạnh. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7… Nhạc phẩm “Người mẹ hoa sứ trắng” sáng tác vào năm 1989, bài hát là một câu chuyện có thực xảy ra ở TP.HCM. Một người mẹ già, nhà lại nghèo, có con trai tham gia chiến đấu tại Campuchia, bị thương và phải trở về điều trị tại Bệnh viện Quân Y 175… Để có chi phí sinh hoạt, người mẹ già hằng ngày đi nhặt hoa sứ trắng kết thành vòng hoa mang ra chợ bán. Miền Nam thì 6 tháng nắng, 6 tháng mưa, những ngày nhặt hoa sứ lại đúng vào 6 tháng mưa, khó khan chồng chất khó khan, hoa sứ không rơi nhưng nước mắt người mẹ lại rơi. Rồi như có điều kỳ diệu đến từ cuộc sống, y bác sĩ ở BV Quân Y 175 chữa trị khỏi bệnh cho người con,…”.

Và thế là NSƯT Thế Hiển đã viết nên ca khúc “Người mẹ hoa sức trắng”, sau đó Sở Lao động TBXH TP.HCM đã cấp nhà tình nghĩa tại quận Gò Vấp và thành phố nuôi dưỡng 02 mẹ con người thương binh, người mẹ kết hoa sứ trắng đến trọn đời… Qua đó, có thể thấy rõ nhân nghĩa cuộc đời luôn đề cao truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta. Có những người mẹ sẵn sàng cho đi chiến đấu vì lý tưởng cao cả, vì tổ quốc, tổ quốc không bao giờ quên sự đóng góp của những người đã cống hiến, xả thân vì tổ quốc… Và đó cũng chính là nguồn cảm hứng cho huyền thoại đến từ những khúc ca, mà NSƯT Thế Hiển là người đã viết nên.

NHẬT KÝ BẰNG ÂM NHẠC

NSƯT Thế Hiển cũng đã bày tỏ, viết nhạc là một cách để thể hiện cảm xúc của bản thân, với anh sáng tác nào cũng nhiều kỷ niệm, nhiều tâm trạng,... Trong đó có thể kể đến là ca khúc “Nhớ các anh”, được viết năm 2016, phổ thơ của tác giả Vũ Quang Trung, NSƯT Thế Hiển đã trình bày vào dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2017, chương trình được thực hiện cầu truyền hình ở cả 03 miền Bắc- Trung- Nam, NSƯT Thế Hiển  được mời tham gia biểu diễn tại điểm phát sóng trực tiếp tại Phú Quốc (Kiên Giang)…

 

NSƯT Thế Hiển vui lễ 02/9/2018 cùng người dân Tân Đông, Tiền Giang

“Nhớ các anh” là cảm xúc thực đối với những chuyến đi về nguồn, NSƯT Thế Hiển cũng như nhiều người trong đoàn đã được nhìn thấy rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên, từ Quảng Trị, Hà Giang,… trở vào Nam. Với những dòng cảm xúc mạnh mẽ đã hình thành nên ý nhạc: “Tôi trở về lại các anh giữa trùng điệp núi non sông nước. Anh nằm đó sao tên anh, tôi chưa biết? Quê anh, anh ở đâu?...”.

Được biết, NSƯT Thế Hiển đã đi biểu diễn rất nhiều nơi, nhất là thời kỳ bao cấp. Anh có mặt ở tất cả các chiến trường, các đơn vị bộ đội cũng như các lực lượng thanh niên xung phong. Khoảng thời gian thập kỷ 80 là giai đoạn vừa bảo vệ Tổ quốc vừa xây dựng đất nước. Theo lời NSƯT Thế Hiển thì thời gian đó, anh ở rừng nhiều hơn là ở thành phố… “Mỗi chuyến đi đều cho tôi những cảm xúc về quê hương đất nước, sự gian khổ của bộ đội cụ Hồ, những giọt mồ hôi của thanh niên xung phong và những nỗ lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ hiến dâng cho đất nước. Chính nhờ điều đó mà những ca khúc của đều mang cảm xúc của những chuyến đi. Tôi yêu tất cả những đứa con tinh thần, vì đó là những kỷ niệm trong cuộc sống của tôi, và tôi ghi chép lại bằng âm nhạc để dâng lên cho đời, đúng như nhiều nhà báo đã viết về tôi như một người “viết nhật ký bằng âm nhạc”…”- NSƯT Thế Hiển cho biết thêm. 

 

Từ trái sang: đạo diễn Võ Phước, NSƯT Thế Hiển, ca sĩ Lưu Trúc Ly, Thiên Long và tác giả

Trước những đóng góp thiết thực, món ăn tinh thần quý giá đối với cuộc sống xã hội ngày nay, NSƯT Thế Hiển đã được Hãng phim TFS- Đài truyền hình TPHCM (HTV) dựng thành phim tài liệu với chủ đề “Nhánh lan rừng nở mãi”, sản xuất năm 2015. Nội dung phim tài liệu nói về cuộc đời viết nhạc, hoạt động nghệ thuật của NSƯT Thế Hiển.