BA MƯƠI NĂM ẤY BIẾT BAO NHIÊU TÌNH




CÁC MINH CHỨNG NGÀY KHAI ĐẠO
CỦA ĐẠO CAO ĐÀI Ở VIỆT NAM 
BTV. Nguyễn Hữu Nhơn 
TS. Võ Thị Mỹ 

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (gọi tắt Đạo Cao Đài) - một tôn giáo hình thành và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam, đến nay gần một thế kỷ. Trải qua những khó khăn, vất vả của các bậc tiền bối, nền Đại Đạo đã không ngừng lớn mạnh trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới. Theo đó, ngày “Đại hội Đầu tiên Thành lập Đạo Cao Đài” 23 tháng 8 Bính Dần (thứ Tư, 29/9/1926) chính là Ngày Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hay còn gọi Ngày Khai sinh Đạo Cao Đài. Trong bài viết này, chúng tôi quay ngược dòng thời gian, trở về điểm xuất phát ban đầu để ghi nhận lại lịch sử về sự ra đời Ngày Khai Đạo của Đạo Cao Đài ở Việt Nam. 
I. Xác định ngày Khai đạo
Về vấn đề Khai đạo, Đức Cao Đài đã nhiều lần nhắc đến, như: 
- Từ giai đoạn phôi thai của nền đạo, trong tư liệu Lịch sử Quan phủ Ngô Văn Chiêu, mùng 1 tết Tân Dậu (08/02/1921), Tiên Ông chính thức dạy Đạo cho người đệ tử đầu tiên là ngài Ngô Văn Chiêu. Tiên Ông xưng Hồng danh lần đầu với ngài Ngô là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát và dạy ngài gọi bằng Thầy. Trang 29 viết “Tiên Ông thường giáng cơ truyền đạo cho Ngài (Ngô Văn Chiêu) tu và dặn phải giữ kín bí truyền chừng nào tới thời kỳ Khai đạo thì Tiên Ông sẽ dạy” ; 
- Rồi gần 4 năm sau, Đức AĂÂ chính thức xưng danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát với nhóm ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc vào ngày 24/12/1925 (Chúa Jésus giáng sinh),  và Đức ngài dạy tiếp: “Bấy lâu Thầy vẫn tá danh A Ă Â là để dìu dắt các con vào đường đạo đức hầu chẳng bao lâu đây các con sẽ ra giúp Thầy mà Khai đạo”  ; 
- Cho đến đầu năm Bính Dần 1926, Đức Cao Đài dạy chuẩn bị sắp đặt Thiên bàn tại nhà ông Nguyễn Văn Tường “để Thầy có việc dùng”, và cuối cùng “Đức Chí Tôn xuống lịnh cho ông Lê Văn Trung triệu tập hội nghị với khoảng 250 người, và phải kịp Khai đạo với Chính phủ Đông Pháp. Dạy mời bổn đạo các nơi đến tối 23 tháng 8 Bính Dần, tề tựu tại nhà ông Tường, lập đàn cho Thầy dạy việc” .
II. Các tư liệu sử đã ấn hành
II. 1. Các tư liệu sử giai đoạn 24 năm đầu Khai Đạo (1926 - 1950) :
1- Phổ Cáo Chúng Sanh, ngày 15/10/1926 (mùng 9 tháng 9 Bính Dần), Sài Gòn Imprimerie de L’Union . Tại thời điểm mùng 9 tháng 9 Bính Dần (trước ngày 15/10 Bính Dần), tờ Phổ Cáo Chúng Sanh là tài liệu đầu tiên và duy nhất do chính chư vị Tiền khai Đại Đạo phát hành rộng rãi cho nhân sanh để công bố sự “Ra đời” của nền Đạo mới: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay đạo Cao Đài, sau khi Thống đốc Nam kỳ Le Fol tiếp nhận tờ Tuyên ngôn Khai đạo từ ngài Lê Văn Trung ngày mùng 1 tháng 9 Bính Dần (07/10/1926). Trong báo cáo điều tra của La Laurette, trang 27 , tờ Phổ Cáo Chúng Sanh, thực ra là nội dung của Tờ Tuyên bố, đã được phát hành “hàng ngàn tờ bằng chữ Quốc ngữ và truyền bá khắp Nam kỳ”.
2- Phổ Cáo Đại đạo Tam kỳ Phổ độ, 02/12/1927, Lê Thiện Phước, nhà in Tam Thanh, 108-110, đường Maréchal Foch, Dakao, Sài Gòn, tờ bìa có chữ ký của ông Trương Hữu Đức, trang 14, có in: “Khai Đạo nơi Chánh phủ - Ngày 07/9/1926” . 
3- Hương Hiếu Đạo Sử quyển 2, bà Nguyễn Thị Hiếu, trang 1-5 ghi: “Khai đạo nơi Chánh phủ… ngày 07/10/1926 (mùng 1 tháng 9 Bính Dần)”.
4- Thư của ông Lê Bá Trang gửi cho Vụ chính trị và bản địa Sài gòn, “Chợ Lớn ngày 07/3/1927,… sau Bản Tuyên bố, tôi không phải lo lắng gì… tôi sẽ sẵn sàng chịu hoàn toàn trách nhiệm và chịu mọi hình phạt, bao gồm cả án tử hình.”
5- Hồi Tâm Lục Diễn ca, 1928, Thánh thất Định Tường, cũng ghi: “Ngày 7 Octobre 1926, nhằm mồng 1 tháng 9 năm Bính Dần, có môn đệ Thiên phong của Đức Cao Đài là cựu Hội đồng Thượng Nghị viện Lê Văn Trung tự Thiên Ân là Thượng Trung Nhựt, vưng lịnh Thánh ngôn đến Khai Đạo nơi Chánh phủ. Trong Tờ Khai Đạo ấy có ký tên 245 chư môn đệ, phần nhiều đều là chức sắc viên quan (tân cựu) và có Nữ phái, nhiều người danh dự. Quan Nguyên soái Nam Kỳ hoan nghinh và khen rằng vì chữ “Thiện” mà khuyên dân, ấy là chủ nghĩa cao thượng…”
6-  German Gross, 1928, Le Caodaisme jugé par des Francaise (Đạo Cao Đài theo phán đoán của người Pháp), Tạp chí Cao Đài (La Revue Caodaiste) 1930, số 7, trang 8-12 đưa tin lại: “Trong tuyên bố đệ trình lên ngài Thống đốc Nam Kỳ vào ngày 7 tháng 10 năm 1926, được nhiều tín đồ ký tên, người ta ghi nhận có nhiều Điền chủ và Công chức…”.
7- La Laurette  ghi rõ: “Đạo Cao Đài phải là sự dung hợp của các tôn giáo chính và lâu đời nhất của Đông phương: “Lão giáo, Phật giáo, Nho giáo” và “Đây là quan niệm xuất phát từ bức thư đề ngày 07/10/1926, mà Lê Văn Trung và các tín đồ đầu tiên của ông đã “tuyên bố” về Tổ chức tôn giáo của họ với Thống đốc Nam Kỳ…”
8- Nguyễn Văn Ca, 19/5/1932, Chương trình Minh Chơn Lý, Thánh thất Định Tường, trang 15, có ghi: “… Lời Thánh giáo của Đấng Chí Tôn truyền dạy, nên có trên hai trăm rưỡi người đứng tờ mà khai Đạo cùng Chánh Phủ”. 
9- Diệp Văn Kỳ, 11/1934, Tiểu sử của ông Lê Văn Trung - Giáo tông đạo Cao Đài, nhà in Bảo Tồn, 175 Boulevard de la Somme, Sài Gòn, trang 12-13, đã ghi: “Sau khi nhập đạo chưa đầy một năm, ông với các đạo hữu đi thuyết đạo khắp cùng Lục tỉnh và nội trong mấy tháng, mà số người theo đạo Cao Đài tính hơn 1 triệu, thì ông cùng bà Lâm Hương Thanh (Chánh Phối sư) với 247 đạo hữu đứng vào một lá đơn “trình với Chánh phủ” xin phép Khai Đạo. Lá đơn ấy đề ngày 29/9/1926 . Nó là tấm “Giấy khai sanh của Đạo” vậy”.
10- Đoàn văn Bản, Nguyễn Phan Long, 01/12/1938, Tờ Vi Bằng kỳ lễ kỷ niệm ngày Khai Đạo 23/8, Tạp chí Đại Đồng, tòa soạn Thánh thất Cầu Kho;
Trang bìa ghi: “Đệ Thập Tam Niên - Tờ Vi bằng  kỳ lễ kỷ niệm ngày Khai Đạo với Chánh phủ”;
Trang 8 ghi: “Y theo thư mời và chương trình đã nhứt định, Bàn Trị sự Cao Đài Đại đạo Liên hòa tổng hội, hiệp cùng Bàn Cai quản Thánh thất Cầu Kho làm lễ khai mạc cuộc Lễ kỷ niệm ngày Khai đạo 23/8 Mậu Dần (15/10/1938)”;
Trang 13-15, ghi: “Tờ Khai Đạo  như vầy… Nhơn danh một số đông người Việt Nam đã công nhận sở hành của chúng tôi và đã ký tên vào tờ Tịch đạo ghim theo đây, mấy người dưới này thành kỉnh đến công khai cho Quan lớn rằng chúng tôi sẽ phổ thông chơn đạo trong khắp cả nhơn gian… Chúng tôi xin Quan lớn công nhận tờ Khai Đạo của chúng tôi”;
Trang 16, ghi: “Ngày 23/8 năm Bính Dần:
-Là ngày bổn đạo ký tên vào Tịch đạo;
-Là ngày của Đức Chí Tôn sở định, cho bổn đạo ký tên công khai Đại Đạo;
-Là ngày Đạo phát sinh chánh thức.
… lấy ngày 23/8 để làm ngày kỷ niệm ĐẠO KHAI ...”;
Trang 20, bài diễn văn khai hội của ngài Nguyễn Phan Long - Tổng trưởng Cao Đài Đại Đạo Liên Hòa Tổng Hội, đêm 23/8 có ghi: “Ngày nay là lễ kỷ niệm ngày Khai Đạo với Chính phủ… chư quý đạo huynh đạo tỷ về đến đây, trước là đảnh lễ Đấng Chí Tôn mừng Đại đạo nay đặng 13 tuổi, sau là hội hiệp chuyện anh em nhắc lại chuyện năm xưa… của buổi ban sơ”.
11- Tòa Thánh Trung ương Trung Kỳ, Thánh thất Tam Quan, Bình Định, 15/5/1939, Lễ Giáo Thường Hành, nhà in Đức Lưu Phương, số 158 d' Espagne, Sài Gòn, trang 79-80, có in bài: “Kinh Kỷ niệm ngày Khai Đạo 23 tháng 8 Bính Dần (1926)”.
12- Gabriel Gobron (bản dịch Hiền tài Nguyễn Văn Hồng), 1948, nhà in Dervy, số 20, Rue de la Tresmoille, Paris, 1948, Lịch sử Đạo Cao Đài (1925-1937), trang 25 ghi: “Ông phủ Chiêu xin phép Đấng Cao Đài cho ông được phụng thờ Ngài… Đó chính là sự nhập môn của người tín đồ đầu tiên  vào tôn giáo mới và tôn giáo này 6 năm sau  được lập nên ở Sài Gòn”. 
13- Nguyễn Văn Phùng, 04/10/1950, Lễ Kỷ niệm Ngày Khai Đạo 23/8 Bính Dần, Nam Thành Thánh thất, trang 1-4, trích một đoạn: “Thường lệ mỗi năm, ngày 23/8 Canh Dần, chúng tôi có tổ chức tại Nam Thành Thánh thất một cuộc lễ Kỷ niệm Ngày Khai Đạo, ngày mà 25 năm trước (năm Bính Dần) 247 vị đạo tâm ký tên vào tịch đạo rồi nhờ 28 vị Hướng đạo đệ trình lên Chánh phủ chính thức khai sáng nền Đại đạo Tam kỳ”.   
14- “Lịch Lễ hội từ 1950-1992” của Ban Liên giao Hành đạo (Sài Gòn, TP. HCM và các tỉnh thành) đã ghi rõ danh sách lễ hội của tất cả Thánh sở, trong đó Lễ Khai đạo 23/8 tổ chức tại Nam Thành Thánh thất . 
II.2. Các chứng cứ lịch sử ghi nhận sự hiện diện của chư vị tiền khai, tiền bối
Các vị tiền khai thời kỳ đầu 1926-1938 đã tham dự Lễ Khai Đạo 23/8 tại Thánh thất Cầu Kho - Nam Thành Thánh thất được ghi lại trong“La Revue Caodaiste” (1930-1934), “Tạp chí Đại Đồng” (1938) gồm có: Vương Quan Kỳ, Đoàn Văn Bản, Lê Văn Trung, Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Đức (đồng tử Thánh thất Cầu Kho từ 1926-1927), Trần Quang Nghiêm; Nguyễn Văn Ca (Minh Chơn Lý); Nguyễn Văn Kiên (Tam kỳ Nguyên nguyên Bản bản); Cao Triều Phát (Minh Chơn Đạo); Trần Công Khánh (tự Sanh, tức Linh Châu Tử, Chung Tâm Hòa Phái); Nguyễn Hữu Phương, Nguyễn Hữu Hào và Lê Đại Luân (Hội Thánh Trung ương Trung Việt Tam Quan); Nguyễn Phan Long và Trần Văn Quế (Liên Hòa Tổng hội)… 
Trong những buổi Đại lễ kỷ niệm ngày Khai Đạo 23/8 Mậu Tý (1948) đến nay, có sự hiện diện của Chức sắc các Hội Thánh: Hội Thánh Tiên Thiên, Giáo Hội Cao Đài Thống Nhất Trung ương, Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý (Mỹ Tho), Hội Thánh Thiên Khai Huỳnh Đạo, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo, Hội Thánh Minh Chơn Đạo, Hội Thánh Trung ương Trung Việt Tam Quan, Hội giáo Cao Đài Thượng Đế, Hội Thánh Chiếu Minh Long Châu, Bạch Y Liên đoàn Chơn lý, Cao Thượng Bửu Tòa, Chiếu Minh Giáo Tòa, Tòa Thánh Cao Đài Việt Nam Lương Hòa Lạc…
III. Bộ Văn kiện Khai đạo gửi Thống đốc Nam kỳ Le Fol
“Bộ Văn kiện Khai đạo” mà 28 vị tiền khai đồng đứng đơn trình báo và nạp Hồ sơ pháp lý cho Chính quyền Đông Pháp, đó là bằng chứng cụ thể về việc Thành lập đạo Cao Đài. Bộ Văn kiện Khai đạo là Bằng chứng/Luận cứ duy nhất và mạnh mẽ nhất cho Ngày Khai đạo 23/8 Bính Dần. Chi tiết của Bộ Văn kiện Khai đạo này, gồm:
1/ Bản “Tuyên ngôn Khai đạo”;
2/ Bản sao lục Thánh ngôn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế;
3/ Bản phiên dịch Thánh kinh;
4/ Danh sách 28 Người đứng tên đồng chịu trách nhiệm với Chính quyền thuộc địa - Xin Quan lớn công nhận “Tờ Khai đạo”;
5/ Danh sách 247 người ký tên dự Đại hội Thành lập đạo Cao Đài.
Trong lịch sử Cao Đài, sự kiện Khai đạo ngày 23/8 Bính Dần, với Bộ Văn kiện pháp lý, được khai báo theo đúng quy định pháp luật của Chính phủ Đông Pháp thời bấy giờ, chỉ duy nhất diễn ra tại Thánh thất Cầu Kho, mà không có sự kiện Khai đạo ở bất kỳ địa điểm nào khác diễn ra có đầy đủ tính Pháp lý. Và trong bài Kinh “Kỷ niệm ngày Khai đạo 23/8 Bính Dần” do Đức Văn Xương Đế Quân  phê duyệt, in trong quyển “Lễ Giáo Thường Hành” . 
Đạo Cao Đài - Một tôn giáo mới hình thành với đầy đủ các yếu tố: 
1.Tên gọi: Đại đạo Tam kỳ Phổ độ, tên thường gọi là “Đạo Cao Đài”. Thời gian đầu còn xưng là Phật giáo chấn hưng . Danh từ Đại đạo Tam kỳ Phổ độ có nghĩa là Đại Ân xá kỳ ba, được Đấng Chí Tôn ban Thánh ý cho những người ký tên thành lập Tân tôn giáo của dân tộc Việt Nam. 
2.Giáo chủ: là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (Đức Chúa Trời) - một Đấng Vô vi của thời kỳ Hạ ngươn mạt pháp, không có xác phàm như các vị Giáo chủ hữu hình của thời kỳ Thượng ngươn (các đấng: Nhiên Đăng Cổ Phật, Thái Thượng Lão Quân, Phục Hy Thánh Quân) và Trung ngươn (các đấng: Thích Ca, Lạo Tử, Khổng Tử);
3.Cách thờ phượng: do ngài Ngô Minh Chiêu hướng dẫn: Ngôi Thiên bàn đầu tiên tại nhà ngài Vương Quan Kỳ, Sài Gòn, vào cuối năm Giáp Tý (10/1924) , có Thánh tượng Thiên Nhãn tượng trưng cho Đức Cao Đài, được ngài Ngô Văn Chiêu tự vẽ với kích thước 18 x 24 cm để thờ. Sau đó, ngày 03/12 Ất Sửu (16/01/1926) cơ Đạo vận chuyển về nhà ngài Đốc học Đoàn Văn Bản rộng rãi và ngày càng đông đảo hơn. 
Vào ngày 14/12 Ất Sửu (27/01/1926), nhóm quý ngài Cư, Tắc, Sang và Trung hiệp lại cầu cơ thỉnh đức Chí Tôn dạy về cách thờ phượng. Đức Chí Tôn dạy quý ngài phải đến gặp ngài Ngô Văn Chiêu để được hướng dẫn.
4. Tín đồ: Tín đồ Cao Đài đầu tiên là ngài Ngô Văn Chiêu, và bắt đầu phát triển khi ngài Ngô từ Phú Quốc về Sài Gòn (ngày 29/7/1924). Sau đó, ngài Ngô độ dẫn thêm một số vị . 
Thời điểm đầu năm 1926, tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa,… có khoảng sáu nhà đàn cầu cơ . Nhưng chỉ có Đại đàn Cầu Kho là nơi được Đức Chí Tôn chỉ định việc làm lễ nhập môn cho tín đồ . Số người theo đạo Cao Đài nhanh chóng phát triển lên hàng trăm người. Đặc biệt, sau này có những người Pháp, Trung Hoa, Campuchia… Ví dụ: Gabriel Gobron , Latapie , Âu Tu .
Thời điểm Khai đạo ngày 23/8 Bính Dần tại nhà ngài Nguyễn Văn Tường, số tín đồ đến rất đông, ngoài trời mưa tầm tã nên chỉ có 245 vị đứng và ký tên .
Thánh thất Cầu Kho - Sài Gòn (ngày xưa), Nam Thành Thánh thất - Thành phố Hồ Chí Minh (ngày nay) là Ngôi Nhà Chung của toàn Đại đạo. Thánh thất Cầu Kho - Nam Thành Thánh thất là “Cội rễ”, còn Tòa thánh Tây Ninh (Hội thánh Đại đạo Tam kỳ Phổ độ) là “Thân cây” (cổ thụ), các Hội thánh Chi phái thành lập từ năm 1927 đến 1938 (12 năm đầu Khai đạo) là những cái “Nhánh cây”, như: Cao Đài Hội Giáo (Cần Thơ - 1927 - nay là phái Cao Đài Thượng đế, trụ sở tại Tây Thành Thánh thất), Minh Chơn Lý (Tiền Giang - 1928), Tiên Thiên (Bến Tre - 1932), Minh Chơn đạo (Cà Mau - 1935), Ban Chỉnh (Bến Tre - 1935), Bạch Y Liên Đoàn (Kiên Giang - 1936). Từ ngày 14/02/1936, khi ngài Hộ pháp Phạm Công Tắc xưng danh chính thức là chưởng quản nhị hữu hình đài (Hiệp Thiên và Cửu Trùng), thì Hội thánh Cao Đài Tây Ninh đã trở thành Hệ phái cuối cùng của nền đạo, không còn là Hội thánh ban đầu như trong tư tưởng của đa số tín đồ Tây Ninh, không còn là “Thân cây”; mà chỉ là một “Nhánh cây”, Nhánh cây lớn nhất của toàn thể các Hệ phái Cao Đài. Và, các Hội thánh, Chi phái thành lập từ năm 1939 mãi cho đến nay đều là những “Cành cây” được tách từ mấy “Nhánh cây” ban đầu. Riêng Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (Cần Thơ) là cơ tuyển độ, không phải là chi phái. Vì theo lời đại nguyện của ngài Ngô Văn Chiêu trước Tiên Ông (1921-1924) là chỉ lo tu luyện Vô vi Tâm pháp Bí truyền nên không nhận phẩm Giáo Tông trong cơ phổ độ của đạo Cao Đài (ngày 14 tháng 3 Bính Dần - 25/4/1926) và không tham gia trong ngày Đại hội đầu tiên thành lập đạo Cao Đài 23/8 Bính Dần (29/9/1926). Kể từ đó, ngài lo tu luyện và độ vài người đệ tử đầu tiên... Hội thánh Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi là do các đệ tử của ngài Ngô thành lập vào năm 1932.
Dựa trên các công trình: sách, tài liệu, tạp chí, văn kiện, thánh ngôn, giáo lý… chúng ta có rất nhiều dữ liệu cho Ngày Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hay còn gọi Ngày Khai sinh Đạo Cao Đài. Nhưng để thống nhất toàn đạo về ngày tổ chức Lễ hội Kỷ niệm Ngày Khai Đạo một cách hợp lý nhất thì chúng tôi thấy nên căn cứ theo “Tờ Vi bằng kỷ niệm ngày Khai Đạo nơi chính phủ” in trong Tạp chí Đại Đồng ngày 01/12/1938, do tòa soạn Thánh thất Cầu Kho, số 40-42 Général, Sài Gòn xuất bản.