Nước Nhật: Đến và cảm nhận

Nhắc đến Nhật Bản, có lẽ ai cũng biết đó là đất nước được mệnh danh là “đất nước mặt trời mọc”, không chỉ nổi tiếng với hoa Anh Đào, núi Phú Sĩ,.. còn là cái nôi của một nền văn hóa đặc sắc, đa dạng với những con người thân thiện, hiếu khách và nền khoa học tiên tiến vào hàng bậc nhất của thế giới. Nước Nhật  có diện tích gần 400.000km2, trải dài từ bờ biển Okhotsk ở phía Bắc đến phía Nam biển Đông Hải của Trung Quốc. Phía Đông giáp với Hàn Quốc và Nga đã tạo cho Nhật Bản một địa thế giao thương thuận lợi. Đặc biệt, Nhật bản còn là đất nước có nhiều đảo nhất thế giới với gần 7.000 hòn đảo, trong đó có 5 đảo lớn nhất và có nhiều người sinh sống nhất là Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và Okinawa.


Thủ đô Tokyo với nhiều nhà cao tầng

NÚI PHÚ SĨ HÙNG VĨ, ĐẸP CUỐN HÚT

Núi Phú Sĩ hay núi Fuji là ngọn núi cao nhất Nhật Bản với độ cao 3.776m,  cũng là biểu tượng nổi tiếng của quốc gia này. Đây là một trong "Ba núi Thánh" của Nhật Bản.cùng với núi Tate và núi Haku, và cũng là một nơi đặc biệt của danh lam thắng cảnh, một di tích lịch sử, và đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 22/6/2013. Với người dân Nhật núi Phú Sĩ trở thành "ngọn núi thiêng", "ngọn núi thần" che chở cho nước Nhật, đem đến sự tốt lành, may mắn: thứ nhất Fuji, thứ nhì Naka, thứ ba Nasu.


Du khách chụp ảnh lưu niệm, phía sau là núi Phú Sĩ

HOÀNG CUNG NHẬT BẢN

Hoàng cung Nhật Bản được xây dựng bên trong một công viên rộng lớn, phong cảnh hữu tình hòa hợp thiên nhiên. Bên bên ngoài Hoàng cung là hàng cây thông cổ thụ, bao xung quanh là tường đá cùng hào rộng. Hoàng Cung Nhật Bản ở thủ đô Tokyo không phải là điểm tham quan mở cửa thường xuyên khi đi du lịch Nhật Bản. Cung điện chỉ mở cửa vào 2 ngày duy nhất là ngày đầu năm mới (ngày 2/01) và sinh nhật của Nhật Hoàng (ngày 23/12). Khi đó, công chúng có cơ hội nhìn thấy các thành viên Hoàng tộc xuất hiện trên ban công, vẫy tay chào… Trong thời điểm còn lại của năm, du khách chỉ được phép tham quan và chụp hình lưu niệm bên ngoài Cung điện Hoàng gia.


“Những khu vườn phía đông của cung điện hoàng gia”

Điểm đặc biệt là xung quanh khu vực Hoàng cung Nhật Bản, không có bất kỳ nhà cao tầng nào được xây cất, vì đây là nơi tôn nghiêm, Chính phủ không cho phép xây dựng nhà cao tầng, dù đất trống xung quanh còn rất nhiều.

TÒA NHÀ CHÍNH PHỦ TOKYO

Là trung tâm hành chính của thủ đô Tokyo, bao gồm nhà họp Nghị hội, quảng trường nhân dân, tòa nhà chính phủ 1, tòa nhà chính phủ 2. Vì là cơ quan tổ chức hành chính nên hầu như ít có cơ hội đến thăm, nhưng thực ra khách du lịch có thể tham quan một phần trong tòa nhà… 


Một góc không gian bên trong tòa nhà Chính phủ Nhật tại Tokyo

Điểm thú vị nhất bên trong tòa nhà là đài quan sát miễn phí. Có hai đài quan sát ở phía Nam và phía Bắc, có thể lên đến độ cao 202m từ tầng 1 của tòa nhà chính phủ 1 bằng thang máy dành riêng cho phòng quan sát. Từ phòng quan sát này, có thể nhìn bao quát toàn cảnh Tokyo với các tòa nhà cao tầng nối nhau san sát như, Tokyo Opera City, Shinjuku Park Tower, Tokyo Tower, Tokyo Sky Tree.

SIÊU THỊ CÓ Ở KHẮP NƠI


Ở Nhật, người dân chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, các khu dân cư thì dễ dàng tìm đến 4,5 siêu thị nằm trong khu vực, giới thiệu, bày bán đủ các mặt hàng, từ thực phẩm đến gia dụng, chỉ cần đi bộ vài trăm mét là đã có thể tìm thấy siêu thị.

TÀU ĐIỆN NGẦM HIỆN ĐẠI Ở NHẬT


Cổng chính nhà ga Shinjuku

Tàu điện ngầm là một trong những phương tiện giao thông công cộng được người dân sử dụng nhiều tại Nhật, nhất là ở thủ đô Tokyo… Hệ thống tàu điện ngầm Tokyo có thể phục vụ 8 triệu hành khách/1 ngày (tổng số dân thủ đô là 38 triệu người). Nhà ga Shinjuku đã được đưa vào kỷ lục Guinness có thể phục vụ 3.64 triệu khách/ 1 ngày với hơn 200 cổng ra/vào. Tàu điện ngầm ở Tokyo luôn luôn vận hành đúng giờ, không bao giờ bị trễ, dù chỉ 01 phút.


Tàu điện ngầm tại nhà ga Shinjuku